hoangminhtonga
Trở về

Tin tức

Không ít lần trong đời, chúng ta diễn vai nạn nhân

Chữa lành

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Không ít lần trong đời, chúng ta diễn vai nạn nhân

warning

CÁI TÔI YẾU ĐUỐI ĐỂ MƯU CẦU TÌNH YÊU THƯƠNG

Trong cuộc sống và công việc ắt hẳn sẽ có những va chạm. Va chạm để học tập, khám phá, hiểu nhau và sẽ có nhiều cách đối mặt với những va chạm, từ đó bản thân phát triển. Chúng ta có thể bắt gặp chính mình hay những người thân quen, họ lựa chọn đối mặt với những va chạm bằng việc vào vai của “người yếu thế”, “nạn nhân” một cách vô thức (không hay biết).

Chúng mình thử vén màn về vở kịch trên được đạo diễn bởi “vô thức” qua 02 ví dụ dưới đây.

Ví dụ về mối quan hệ cặp đôi, sự va chạm ắt hẳn phải có, vì đó là động lực để chúng ta hiểu nhau hơn qua những lần đối thoại. Thay vì bộc lộ cảm xúc nguồn, nêu lên những mong muốn gắn bó chính đáng của bản thân với nửa kia, chúng ta được vô thức trao cho vai diễn của “người yêu bé bỏng, yếu ớt”, táo bạo hơn là “nạn nhân”.

Để mong muốn ghi nhận sự chú ý, quan tâm lo lắng của nửa kia, bằng việc vào vai diễn “người yếu thế” họ nghĩ là sẽ được người kia chăm sóc tốt hơn, chăm lo chu đáo hơn, “yêu” nhiều hơn. Trong khoảnh khắc đó, bạn có thể tưởng tượng hoặc đồng hóa bản thân mình với suy nghĩ “mình-là-người-có-hoàn-cảnh-khó-khăn”, lớn lên trong gia đình kém may mắn, thậm chí đang có bệnh nan y để tìm sự thông cảm, hay tình yêu từ đối phương. Với lối diễn trên, bạn mặc định nghĩ mình phải được thương nhiều hơn!

Không loại trừ, bạn có một gia cảnh không may mắn, một quá khứ tan thương nhưng liệu rằng luôn đặt mình trong những cảnh huống tồi tệ sẽ giúp bạn nhận được giá trị, sự tôn trọng, quan tâm, thương xót hơn chăng? Vì tình yêu vốn dĩ là sự bỏ chung, đòi hỏi quá trình đối thoại, thấu hiểu, thán phục và cùng xây dựng ước mơ chung.

Trong rất nhiều trường hợp, vai diễn nạn nhân là cách ứng phó dễ nhất và chúng ta cũng sử dụng thường xuyên kèm theo nhiều thông tin sai lệch. Chưa bàn đến chuyện đúng hay sai, nhưng việc không tồn tại sự thật trong một mối quan hệ sẽ rất dễ cho đối phương cảm thấy sự không được tôn trọng, bạn không đáng tin, dẫn đến đổ vỡ tương quan. Và khi không biết mình đang “diễn”, chính chúng ta cũng rất mệt và không lấy gì làm thoải mái. Một ví dụ khác trong công việc. Bạn được giao cho một nhiệm vụ của công ty.

Vì lý do nào đó mà bạn không thể hoàn thành tác vụ đúng hạn. Thật không dễ dàng gì để nhìn vào hay đối mặt với sự không thành công của mình để tìm nguyên nhân gốc rễ, chúng lại sẽ lựa chọn đưa ra những lý do từ vai diễn của “người yếu thế”. Sự lập trình trong quá khứ & trong vô thức của bạn sẽ đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về sự yếu thế “gia đình khó khăn”, “không có thời gian vì phải chăm con”, “bệnh nặng”, … Có thể, những lý do trên là đúng và là một phần của nguyên nhân chính dẫn đến kết quả công việc, nhưng đó có phải là cội nguồn của sự việc không? Và vai diễn nạn nhân sẽ được áp dụng tiếp cho những cảnh huống tương tự.

Vấn đề được bàn là bạn sẽ nhanh chóng (auto) đeo lên một chiếc mặt nạ của “người yếu thế” để hành xử tiếp theo trong những chuỗi hành vi kế tiếp.

Đó là những cách ứng phó cũ kĩ, những cách này để bảo vệ bạn rất tốt qua những năm tháng lớn lên.

Nếu ngược về quá khứ, đâu đó sẽ có những ký ức đau lòng của sự bắt nạt, của đòn roi bạo hành, của sự chỉ trích, đe dọa mà chính thời điểm đó “nạn nhân thật sự” chỉ muốn được thoát khỏi cảnh huống tồi tệ đó, đòi hỏi gì ở một đứa bé rất chịu đựng, và đáng thương. Một cách vô thức chúng ta để mình vào thế “nạn nhân”, vì khao khát tìm tình thương đã rất lâu không có từ gia đình,.. vẫn thôi thúc bản thân đi tìm ở hiện tại.

Cách ứng phó ấy lớn lên với bạn theo năm tháng và có thể sẽ không còn phù hợp với cuộc sống của người trưởng thành hôm nay. Nên khi chúng mình ý thức ra rằng, việc vào vai nạn nhân sẽ không giúp mình có được tình thương và sự tôn trọng, chúng ta sẽ dần phải làm việc trên bản thân, quay về quá khứ, đối diện với nỗi đau để kiểm soát vết thương, học lại “sự đối thoại” từ thuở bé để tự yêu thương và tôn trọng mình thì xung năng "vào vai nạn nhân" sẽ giảm.

Nếu bạn hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của cách ứng phó trên, bạn có giận người đã dùng phương cách vai diễn nạn nhân đối với bạn không? Thay vào đó, chúng mình đồng cảm, yêu thương và thương xót hơn.

Dù là vai diễn nào trong bất kỳ vở kịch nào, mọi hành động kỳ quặc đều có một lịch sử để giải thích. Bạn đừng ngại hãy nhắn tin cho chúng mình nếu bạn cần ai đó.

Kết nối với chúng tôi