hoangminhtonga
Trở về

Tin tức

Những đứa trẻ bị bỏ đói cảm xúc.

Dạy con

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

Những đứa trẻ bị bỏ đói cảm xúc.

warning

Sự thờ ơ là một vực thẳm giữa những người sống cùng nhau!

Trong cuộc sống ngày nay, nhiều cha mẹ đã dành quá ít thời gian để kết nối với con cái, và hậu quả là vô tình đẩy đứa trẻ ra khỏi tình thương gia đình.

Hãy tưởng tượng, khi con của bạn chạy đến và xin được chơi cùng, nhưng bạn lại bảo rằng "bận". Trong khoảnh khắc đó, đứa bé hiểu rằng "cháu không có giá trị bằng những việc mà ba mẹ đang làm". Đứa bé thông minh nhưng chưa đủ hiểu biết để nhận thức về những lý do ưu tiên công việc mà người lớn đang làm. Trong tâm trí của bé, việc ba mẹ bận là đồng nghĩa với việc bé không được quan tâm, trọng dụng và “mình không có giá trị”.

Một số người lớn vô tình đặt lên vai trẻ trách nhiệm của mình, như "Mẹ đang bận kiếm tiền nuôi con" hoặc "Ba bận công tác để kiếm tiền cho gia đình". Đứa bé sẽ hiểu rằng mình là một phần của trách nhiệm trong việc "kiếm tiền" cho gia đình.

Trong mối quan hệ gia đình, không ai chịu trách nhiệm đơn lẻ. Cách mà chúng ta truyền đạt và thể hiện "ngôn ngữ yêu thương" có thể khác nhau, dẫn đến hiểu lầm và sự cách biệt.

Với trẻ nhỏ, hành vi mè nheo, bám dính và xin chơi cùng là cách bé cố gắng kết nối với cha mẹ. Đứa bé mong muốn cảm giác thuộc về gia đình, được yêu thương và chăm sóc. Tuy nhiên, nếu những nỗ lực này không được đáp lại, khi lớn lên, đứa bé sẽ tìm cách "khẳng định giá trị bản thân" ở bên ngoài gia đình. Đây không phải là sự "bất ngoan" của trẻ, mà là hậu quả của việc mất kết nối với ngôi nhà của mình. Kết quả có thể là việc tìm kiếm tình yêu thương bên ngoài gia đình (tụ tập), xa lánh gia đình từ sớm (thoát ly), hoặc thậm chí trở thành hình mẫu “chị tôi” tảo tần chăm sóc em mà quên đi ước mơ của chính cuộc đời mình.

Còn đối với cha mẹ, họ đã hy sinh rất nhiều để duy trì sự tồn vong của gia đình, từ công việc, tiền bạc cho đến sức khỏe. Họ chỉ có thể trở thành cha mẹ tốt nhất thông qua việc học hỏi từ thế hệ đi trước. Có những gia đình, áp lực vượt quá giới hạn khiến cho bạo lực xuất hiện và trút hết lên người thân yêu của họ. Đứa bé lớn lên trong sự mất kết nối, trong sự trừng phạt, và những lời nói đầy đau thương, sẽ trở thành một người lớn đau khổ ra sao?

Chủ yếu có hai xu hướng để thu hút sự chú ý: là vươn lên thật giỏi, hoặc quậy phá rất nhiều (vô thức là để được quan tâm, được chú ý tới). Bên trong đứa trẻ có thể là thương yêu kèm với thù ghét, giận dữ, bất lực, nhiều cảm xúc đan xen nhau. Việc đập phá, rượu chè, nghiện...là do bên trong đứa trẻ không tin mình xứng đáng được yêu thương, nên xung năng thôi thúc mình tự hoại (tự hủy hoại mình, hạnh phúc, thành công của mình) để chứng minh cho niềm tin trong vô thức là mình là đứa trẻ tệ, không đứng đáng được yêu thương, được hạnh phúc.

Đó là lý do 1 số người lớn thường sẽ phá vỡ trật tự ổn định trong đời sống để đưa về trạng thái hỗn loạn, không cho phép mình hạnh phúc. Và chứng minh việc mình không hạnh phúc là do mình đáng như vậy.

Nhưng đứa bé nào bị lạnh lùng, bị thờ ơ, hoặc không có cha mẹ ở bên cạnh trong một thời gian dài, sẽ là đứa bé đau khổ nhất. Bởi vì không ai để "quậy phá", không ai để "gây chú ý", không ai để "kết nối".

Sự thờ ơ là một vực thẳm giữa những người sống cùng nhau!

Đứa bé khao khát sự kết nối từ cha mẹ, còn cha mẹ thì nghĩ là đang hy sinh cho con. Cả hai mục tiêu đều đáng quý, nhưng do không hiểu nhau, đã gây tổn thương qua các thế hệ. Thay vì đòi hỏi quá nhiều từ đứa bé, cha mẹ cần học cách thấu hiểu bản thân để kết nối với con.

Cha mẹ cần thấu hiểu bản thân để biết mình có những tổn thương nào xuất phát từ quá khứ, từ những gia đình trước. Để bây giờ, chúng ta có cách can thiệp ở con mình ở đời này.

Ví dụ, các phụ huynh có thể dành ít thời gian chất lượng để kết nối với con. Dù thời gian ít ỏi nhưng nó phải hoàn toàn dành cho đứa trẻ, chỉ có ba mẹ và bé. Thông qua việc chơi cùng con, đọc truyện cho con, hoặc làm các hoạt động khác nhau, cha mẹ có thể truyền đạt ước mơ cho con. Khi nhận được sự quan tâm liên tục và nhất quán, đứa trẻ sẽ tin tưởng mãnh liệt vào cha mẹ. Khi cha mẹ đang bận rộn, sẽ dễ dàng để con hiểu về tình hình và không cần phải mè nheo và chờ đợi cha mẹ hoàn thành công việc.

Những tổn thương xuyên thế hệ có nguồn gốc từ gia đình, cần có thế hệ dũng cảm đứng lên can thiệp và điều chỉnh.

Kết nối với chúng tôi